Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

CUỘC HẢII CHIẾN HOÀNG SA 1974

Nhìn lại cuộc hải chiến 40 năm trước:Tia lửa đầu tiên nhen đám cháy lớn ở Biển Đông

Nhìn lại cuộc hải chiến 40 năm trước:Tia lửa đầu tiên nhen đám cháy lớn ở Biển Đông
Photo: AFP
Tiếng Nói Nước Nga 15/1/2014- Đơn phương đặt ra quy định mới cho việc đánh cá trong vùng biển Hoa Nam (Biển Đông), hạn chế quyền của các nước Đông Nam Á, Trung Quốc đã đẩy tăng mức độ căng thẳng trong khu vực. Cuộc xung đột xung quanh các đảo trên biển Hoa Nam (Biển Đông) đã có tính chất toàn cầu. Mà tất cả bắt đầu từ tròn 40 năm trước.
Đó là ý kiến khái quát của chuyên viên Dmitry Mosyakov lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại dương của Viện Nghiên cứu phương Đông (thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga).
“Ngày 15 tháng Giêng 1974 vào lúc bình minh, trên đảo Robert (đảo Hữu Nhật), Money (đảo Quang Ảnh), Duncan (đảo Quang Hòa) và Drumont (đảo Duy Mộng) của quần đảo Hoàng Sa, khi đó do quân lực Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát, bất ngờ có các “ngư dân” Trung Quốc đổ bộ. Họ cắm cờ Trung Quốc lên những hòn đảo nhỏ và bắt đầu dựng nhà tạm. Chính quyền Nam Việt Nam phái đội bảo vệ biển tới trục xuất các "ngư dân" khỏi các đảo Robert Money, nhổ bỏ cờ Trung Quốc. Nhưng đến ngày 17 tháng Giêng ở hướng khu vực xung đột quanh Hoàng Sa trước đó đã xuất hiện các tàu chiến và lính thủy đánh bộ Trung Quốc. Ngày 19 tháng Giêng lực lượng này bắt đầu bắn phá các đảo Robert Money và Pattle (đảo Hoàng Sa), rồi ngày 20 lính Trung Quốc đổ bộ lên các đảo này và Duncan. Một ngày trước đó đảo Drumont bị chiếm, nơi tốp binh sĩ Việt Nam Cộng hòa rơi vào bẫy phục kích của quân Trung Quốc. Nhóm bố phòng đảo nhanh chóng bị đè bẹp vì tương quan lực lượng trong cuộc xung đột rõ ràng là không cân bằng, lợi thế lớn thuộc về phía Trung Quốc. Hạm đội Trung Quốc chiếm thế thượng phong trên biển, và sau một vài cuộc đụng độ đã đẩy bật tàu tuần phòng Nam Việt Nam khỏi các đảo. Theo một số nguồn tư liệu, cả hai bên đều thiệt hại một tàu chiến. Trong khi đó, chiến hạm Mỹ án binh bất động quan sát sự thất bại của quân đồng minh thuở nào, chỉ hỗ trợ trong việc sơ tán mấy đơn vị đồn trú trên đảo. Chỉ vẻn vẹn trong vài ngày chiến dịch quân sự trong vùng đảo đã hoàn thành, và chiều tối ngày 20 tháng Giêng 1974 Bắc Kinh thiết lập sự kiểm soát mới trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Sự kiện tháng Giêng 1974 ở vùng biển này lôi cuốn quan tâm của cộng đồng quốc tế không lâu. Người Mỹ không muốn thu hút sự chú ý đến hành động hung hăng của Bắc Kinh, vì rằng theo lý thuyết thì Hoa Kỳ lẽ ra cần hỗ trợ đồng minh Nam Việt Nam. Thế nhưng năm 1972, Trung Quốc và Mỹ đã ký tuyên bố chung tại Thượng Hải, văn kiện đánh dấu kỷ nguyên hợp tác giữa hai cường quốc. Người Mỹ khi đó nhìn thấy ở Trung Quốc một đồng minh trong cuộc “chiến tranh lạnh” chống Liên Xô, còn đối với Bắc Kinh thì quan hệ mới với Washington không chỉ mở ra khả năng thoát khỏi sự cô lập quốc tế và hàng loạt lợi ích khác, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết cuộc xung đột ở quần đảo Hoàng Sa bằng con đường quân sự. Chính quyền Trung Quốc cho rằng triển vọng kết hợp chung đối chọi với Liên Xô là quan trọng hơn nhiều đối với Washington, hơn là lo lắng cho số phận của mấy hòn đảo nhỏ và hoang vắng ở Biển Đông, và do đó người Mỹ sẽ "nhắm mắt" bỏ qua chiến dịch quân sự của Bắc Kinh. Hóa ra họ đã phán đoán đúng. Có thể nói rằng Trung Quốc đã hành với sự chấp thuận của Hoa Kỳ. Vì vậy, trong báo chí Mỹ, cũng có nghĩa là trong giới truyền thông thế giới đương thời, người ta đã cố gắng phản ánh những sự kiện này sao cho không nổi bật, không thu hút chú ý.
Phải thấy là phía Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành động vũ lực đánh chiếm các đảo và tìm kiếm cái cớ thuận tiện để khởi binh xâm lược. Cái cớ ấy, là quyết định của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tháng Chín 1973, đưa quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vào thành phần tỉnh Phước Tuy. Khâu chuẩn bị cho chiến dịch quân sự đã tiếp diễn gần bốn tháng, và suốt thời gian này, cơ quan đối ngoại từ Bắc Kinh im lặng. Chỉ đến khi tất cả đã sẵn sàng cho cuộc chiến chớp nhoáng, Bộ Ngoại giao CHND Trung Hoa mới đưa ra tuyên bố chính thức phản đối quyết định của chính quyền Nam Việt Nam mà họ gọi là "sự xâm phạm lãnh thổ Trung Hoa”.
Những xung đột quân sự này là một trong những dấu hiệu đầu tiên về sự trở lại của Trung Quốc với chính sách đối ngoại ráo riết hướng tới các vùng lãnh thổ dường như đã đánh mất trong giai đoạn lịch sử gọi là thời bạc nhược của Trung Quốc thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX .
Tuy nhiên, hiện hữu vô số tài liệu minh chứng minh rằng quần đảo Hoàng Sa ngay từ thế kỷ XIX đã là bộ phận của Việt Nam. Người sáng lập triều đại Nguyễn là vua Gia Long trong những năm 1815-1816 đã gửi đoàn thám hiểm đặc biệt đi khảo sát quần đảo Hoàng Sa và các tuyến đường biển tại đây. Trong những năm 1834-1836, các quan chức của triều vua Minh Mạng đã tiến hành vẽ họa đồ từng hòn đảo và lập tổng quan về vùng biển xung quanh, đưa vào bản đồ, dựng chùa miếu và đặt dấu hiệu trên các hòn đảo để khẳng định thuộc tính Việt Nam. Trong thời gian thực dân Pháp cai trị thuộc địa Việt Nam, những hòn đảo này nằm trong thành phần Liên minh Đông Dương, khi đó gồm Việt Nam, Lào và Campuchia.
Như vậy, quyền lịch sử của Trung Quốc với Hoàng Sa là rất đáng ngờ. Nhưng ở Bắc Kinh thì cả trong những năm 70 cũng như bây giờ, người ta hiểu rõ hiểu tầm quan trọng chiến lược của những hòn đảo đối với ưu thế kiểm soát quân sự trên biển Hoa Nam (Biển Đông), cả với lợi ích khai thác nguồn cá tôm cũng như trong việc nghiên cứu khu vực thềm lực địa có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt. Ngoài ra, việc chiếm cứ Hoàng Sa đã làm thay đổi cục diện địa chính trị trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc đã mở tuyến đường trực tiếp vươn về phía nam đến quần đảo Trường Sa, mà sau Hoàng Sa đã trở thành mục tiêu mới kế tiếp trong chính sách đối ngoại và những nỗ lực quân sự của Bắc Kinh.
Hôm nay, bốn chục năm sau sự kiện hải chiến Hoàng Sa, có thể hoàn toàn vững tin nói rằng cuộc chiến chớp nhoáng trên những hòn đảo xa lúc bấy giờ không bị phê phán rộng rãi hoặc thậm chí không từng là chủ đề thảo luận quốc tế nghiêm túc, thực ra là khúc dạo đầu tới một kỷ nguyên lịch sử mới. Cuộc xung đột ở biển Hoa Nam (Biển Đông) đã từ song phương trở thành đa phương và sau đó, có sự quan tâm của Hoa Kỳ, đã biến thành xung đột có tính toàn cầu, - chuyên viên Dmitry Mosyakov nhận định.
“Trung Quốc không dừng động thái bành trướng của họ trên vùng biển Hoa Nam (Biển Đông), cũng như trên biển Hoa Đông. Căng thẳng đang gia tăng còn triển vọng về một nền hòa bình lâu dài và bền vững đang ngày càng trở nên mong manh. Vào bất cứ thời điểm nào cũng có thể chờ đợi những kịch phát mâu thuẫn mới”.
Nếu không khai thác vận dụng những công cụ gìn giữ hòa bình quốc tế sẵn có, thì chiến dịch quân sự xâm chiếm chớp nhoáng không nổi bật bốn chục năm trước đây trong phút chốc có thể biến thành cuộc chiến tranh quy mô lớn trong ngày hôm nay, - chuyên viên Nga cảnh báo.